19/6/12

NHỚ MỘT THỜI CANH MÔN VOÓC


 A di đà phật
Thác Lưu Ly nhìn từ xa
              Đang chờ hồi âm của chị Lệ bên sở văn hóa, chả biết làm gì thế là lại mở ảnh ra xem chợt thấy mấy tấm hình về thác Lưu Ly nên đưa lên đây để giới thiệu với mọi người và tự ngắm lại khung cảnh quê ngoại cho đỡ buồn. Thác Lưu Ly theo Trần Lập (hướng dẫn viên đi cùng đoàn) thì thác cao khoảng 30m nằm trong khu tổng thể du lịch Nâm Nung đẹp và thơ mộng.
Một đoạn thác Lưu Ly

       Đoàn chúng tôi đến thăm Lưu Ly vào một ngày nắng như đổ lửa, trời đã về chiều vậy mà cái nóng còn hầm hập bước ra khỏi xe ai cũng đưa tay lên để che bớt đi cái nắng. Đứng trên chỗ để xe là vậy nhưng chỉ cần đi thêm vài bước chân chúng tôi như đã bước vào một thế giới khác, khoảng rừng ven thác Lưu Ly ẩm ướt, trơn trợt khiến cho đoạn đường cỡ chừng mấy chục mét thôi mà cứ phải dò dẫm đi từng bước lẫm chẫm như trẻ con vậy. Tôi với khả năng của một kẻ từng quen biết với rừng, nên tìm cho mình một lối đi ít dốc hơn, thoai thoải và dẫn đến một chỗ khác của con suối. Đứng thật gần nghe được cả hơi nước mát lạnh tỏa ra từ dòng thác từ trên cao ào ào đổ xuống, tất nhiên không đến mức hùng vĩ như thác Đỗ Quyên (Bạch Mã - Huế), cũng không thẳng như Pau Sù (Măng Đen - Kon Tum) nhưng dưới ánh nắng chói chang nó cứ như một dòng thác bạc đầy lóng lánh, đầy huyễn hoặc. Dưới cái nắng được cúi mình vục hai bàn tay xuống dòng suối rồi đưa lên mặt ta nghe được cái mát lạnh, thầm dần vào cơ thể đủ để làm ta quên đi cái oi nồng, cái khét cháy của sắc vàng gay gắt nắng trên kia. 
Thác Lưu Ly chụp từ trên xuống
            Chúng tôi như đã cởi bỏ hết cái nóng bức để lại trên kia và mang xuống đây với một con người khác, vui vẻ trần đầy khát khao, mấy cô nàng trẻ tuổi thi nhau tạo dáng để lưu lại cho mình những khoảnh khắc còn "chưa bị đeo gông". Với tôi, mỗi lần trở về với rừng là mỗi lần mỗi tâm trạng không giống nhau nhưng đều có một cảm giác gì đấy bình yên, thân quen đến lạ lùng cứ y như đã trở về bên mái nhà tranh đơn sơ bên tuổi thơ đầy rơm rạ. Không như mọi người, tôi không thích chụp hình mình vì một lý do - ấy là tôi quá xấu chụp vào lỡ đâu bể màn hình máy ảnh thì nguy. Tôi đứng lặng nghe tiếng của lá thì thầm hay tiếng của tâm hồn mừng vui giữa chốn núi rừng không biết nữa, chỉ nhớ rằng mình đã đứng lặng yên hít lấy bầu không khí mát lành ấy, dẫu thẳng thắn mà công nhận với nhau rằng nó chẳng còn nguyên sơ như thuở ban đầu mà đã bị "lâm tặc hóa" gần hết. Rừng bây giờ chỉ còn vài ba cây gỗ tạp, dây leo, mà thôi thế cũng là may rồi có có cái để gọi là rừng.
Một đoạn "rừng"  bên hác Lưu Ly
            Trong lúc chọn góc chụp tôi quỳ gối lên một thứ cây mềm, để rồi như sực nhớ ra tên của một người bạn từ thuở tóc còn để chỏm. Đó là cây rau môn - loài cây này giống cây khoai môn nước (và cùng họ hàng hay cháu chắt chút chít gì với môn Bạc Hà, giậu mùng... v.v). Nó là loại cây rễ chùm mọc ở những nơi ẩm ướt, đặc biệt là ven các con suối rải rác của một số tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Từ Quảng Bình trở vào còn miền bắc tôi chưa đặt chân đến nên chưa biết). Nõ có hai loại: Một loại lá thon dài gọi là môn Voóc, còn một loại lá sẫm hơn to hơn ấy là cây môn Thục (tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng miền nữa).
Cây môn Voóc
          Cây môn Voóc là thứ cây có thể ăn được, củ của nó bùi bùi, beo béo. Ngày nhỏ, tôi và anh trai thường đi vào Mái Lầy (ấy là tên của con suối nơi rừng quê tôi - mà vì sao có tên gọi này tôi cũng không biết chỉ biết rằng nước ở đấy chảy rất xiết và rất trong) để lấy cây này về cho heo ăn. Ngày ấy, anh em chúng tôi thường đi vào chủ nhật (vì lúc đó cả hai anh em đều đang đi học). Đúng 4 giờ sáng, ba tôi đã dậy nấu cơm để anh em tôi đùm (nắm lại) mang theo, trong khi anh em chúng tôi còn luyến tiếc giấc ngủ nên cố gắng nằm yên thêm vài phút. Sau khi đùm một gói thật to hai anh em chúng tôi ăn cơm và lên đường vào lúc 4 giờ 30 phút, chẳng phải kiêng cữ gì mà vì trước mắt chúng tôi là một quãng đường dài, hơn nữa vừa đỡ nắng và sẽ lấy được chỗ gần hơn. Anh trai tôi cầm rựa và mang gói cơm còn tôi thì đeo tòng teng một chiếc nồi nhỏ, một cái môi (vá, muỗng), ngày ấy tôi gầy nên cứ như chú tiểu chuẩn bị đi khất thực vậy. Vào đến Mái Lầy lội qua suối nước đã ngang ngực, cái lạnh khiến tôi tỉnh ngủ một vài tiếng chim dáo dác vì tiếng động lạ rồi im bặt không gian lại yên ắng chỉ còn tiếng suối cuồn cuộn chảy.
               Việc lấy môn với chúng tôi không còn xa lạ vì thế sau hai tiếng đồng hồ là chúng tôi đã có hai gánh môn. Muốn nhổ cho cây môn về heo ăn có chất lượng thì phải nhổ được cả củ của nó, muốn vậy tay phải nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, lực phải vừa đủ không quá nhiều. Củ của nó có màu vàng (tùy theo vùng), nhiều chất bột nấu nhừ lên trông như bột hồ trẻ em. Để hai gánh rau môn cho ráo nươc (để lúc gánh về sẽ nhẹ hơn) anh em chúng tôi chuẩn bị cho bữa cơm, tôi tìm đá về nhóm lửa bắc nồi, sau đó cả hai anh em thi nhau lật đá suối để bắt rề rề (loại cua suối thường có màu đen, thịt chắc và ngọt tuy không bằng cua bể). Có hôm vớ bẫm một nồi canh rề rề cùng mấy ngọn lá Mì Chính (lá giống lá quế nhưng mỏng hơn và ăn có vị ngòn ngọt lơ lớ), vậy là thịnh soạn, hai anh em chúng tôi ngắt lá chuối rừng trải xuống làm cung cách như ông hoàng bà chúa. Có hôm, bắt được cả cá nhưng có hôm chả được gì, chúng tôi lại tìm cho mình những món ăn mà chưa ai biết, lá gì cũng cho vào nồi nấu thành món ăn nếu có động vật như trâu, bò ăn qua (tất nhiên về chúng tôi đều giấu không nói với ba, mạ). Tả hết chán chê thứ canh, một hôm anh trai tôi bảo: Môn Voóc lợn (heo) ăn được sao mình không nấu thử nhỉ. Thế là hai anh em chọn những câu tốt, lất cả củ thái nhỏ cho vào nồi nêm gia vị và ngồi chờ canh chín. Lúc bưng nồi xuống một mùi thơm dìu dịu tỏa ra, nồi canh bây giờ đặc sền sệt như món súp vậy tuy nhiên chưa ai dám ăn. Hôm ấy chúng tôi chỉ ăn một ít, dẫu rằng còn thòm thèm lắm cái vị ngầy ngậy, beo béo, bùi bùi nhưng ăn lần đầu nên sợ. Lúc về, anh em chúng tôi quan sát xem người có hiện tượng gì lạ không nhưng thấy vẫn bình thường hai anh em thở phào. Từ hôm ấy, anh em chúng tôi  không còn ngần ngại đưa món canh môn Voóc vào thực đơn mỗi khi đi rừng, cái chất rền rệt ấy đến bây giờ vẫn còn nghe nơi đầu lưỡi. Và món canh rau môn Voóc này đặc biệt ở chỗ chỉ ngon khi nấu với nước suối ở đó và sau khi cho rau, đồ gia vị vào thì đậy vung và không đụng chạm đên nó (dù chỉ là chiếc đũa), dậy vung đến khi nghe dậy mùi thơm mở vung thấy rau đã nhừ là được, bằng không đụng đãu quấy nhiều nó sẽ không ngon và mất vị. Môn Voóc nếu nấu bằng nước không phải tại con suối nó mọc thì dù có nấu bằng thịt gà nó vẫn dở. Điều này tôi rút ra khi anh em chúng tôi ăn món canh này do ba nấu, nó nhàn nhạt mặc dầu được bỏ đầy đủ gia vị hơn lúc anh em tôi nấu. Vẫn cái vị bùi bùi ấy, vẫn nhừ đấy nhưng đã mất hết sự ngon, sự háo hức mất rồi.
 Anh Nguyễn Liên và anh Hải Lái xe
            Bây giờ anh em tôi, mỗi người mỗi phương lao vào cuộc sống kim tiền đã không còn sống vào những ngày trèo rừng lội suối mà người quê tôi gọi "sớm đi làm chó, chiều về làm trâu" ấy nữa. Theo tháng năm những món canh lạ của anh em tôi cũng dần phai nhòa, để ngày hôm nay chúng hiện diện trong thực đơn nhà hàng như là món đặc sản (đọt mây luộc... ). Hôm nay, gặp lại cây rau môn Voóc lại chạnh lòng bây giờ không còn phải cơm độn sắn (mì), ngô nữa vậy mà thời gian cho anh em tôi ngồi lại bên nhau lại khó khăn, bao năm rồi anh em ta không đổi gánh rau cho nhau vì em cứ nghĩ của anh nặng hơn và anh thì sợ em gánh nặng quá không lội qua được Mái Lầy... Còn đâu nữa những tháng ngày cơ cực nhưng cười thật nhiều nụ cười vô tư hồn nhiên không chút giả tạo nghĩ suy như bây giờ. Làm sao... chạnh lòng chợt thương, chợt nhớ về thời cơm không đủ no, lo chưa đủ tới mà ấm áp yêu thương. Cuộc sống hôm nay muôn khó khăn gập ghềnh, bao toan tính, nhập nhòa trắng đen, người với người gầm ghè nhau thì mỗi lúc nhớ về kỷ niệm chúng ta hay cùng nhau vượt qua tất cả anh trai nhé, đừng ngã lòng đừng để ba mẹ buồn lòng anh trai nhé... Sống sao cho đáng sống, nghèo nhưng lòng không nghèo... 
Cơn mưa chiều ào ạt
                Dẫu muốm để cho lòng về quá khứ, nhưng trên bãi đậu xe tiếng của Trần Lập hối mọi người lên để về tránh cơn mưa rừng chiều đang dần ập đến. Thôi chào nhé kỷ niệm của một thời sờn vai áo rách, nụ cười lem nhem nhọ nồi... Cây môn Voóc gần đấy đưa nhành hoa trắng trong gió như vẫy chào, cánh hoa trắng lẻ loi ấy như làm cho cả khu rừng ẩm ướt bừng sáng... như điểm tô cho Lưu Ly thêm phần hấp dẫn. Lên xe rồi tôi chợt tiếc, chợt suy nghĩ miên man, giá như các nhà làm du lịch đầu tư tôn tạo cảnh quan nữa thì đây sẽ là một điểm đến khá lý thú cho khách du lịch thập phương. Khẽ thở dài khép kín cánh cửa ngoài kia cơn mưa rừng xối xả nhìn qua ô cửa xe thấy trắng cả một vùng, tất cả cứ chập chờn mơ ảo như tâm hồn ký ức ở nơi tôi. Mưa! Mưa gột hết bao phiền muộn nóng bức mưa cuốn phăng tất cả để lại cuối chân trời một vệt nhớ khôn nguôi.
                                  Vết trên quê ngoại
                                   A di đà phật
      

6 nhận xét:

  1. Đọc bài này của chú muốn về ngay thác Lưu Ly và ăn món Vooc gì hay hay thế nhỉ? Đang mùa nắng nóng lên rừng, xuống thác thì tuyệt cú mèo rồi. Chúc mừng nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ gửi anh Xuân My: Dạ vâng anh ạ, ngon nhưng bây giờ không ai ăn nó đâu anh hoặc nếu ăn sẽ nấu bằng cách khác. Cảm ơn anh đã động viên em.

      Xóa
  2. Trần Nhã My15:22 20/6/12

    "Quê ngoại em biết bao tươi đẹp!"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ gửi chgij Trần Nhã My: Dạ chị dâu ơi đẹp nhưng vẫn còn nghèo so với những nơi em đã đi qua

      Xóa
  3. Nguyễn Thế yên23:19 20/6/12

    Những kỷ niệm của một thời thơ ấu gian khổ mà yêu thương có lẽ là đoạn đời không bao giờ quyên được trong mỗi người chúng ta. Ở em nó gắn liền với một thời canh môn voóc và một người anh trai đầy yêu thương và nỗi niềm đầy xúc động. Chúc hai anh em trong cuộc đời được ở bên nhau hoặc có nhiều lần hộ ngộ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ gửi anh Nguyễn Thế Yên: Cảm ơn anh nhiêu ạ

      Xóa