27/8/12

BA TÔI


Hà Công Trường
BA TÔI
(Viết cho Ba nhân ngày 27/7)
Tạp bút
          Vết chân tròn mỉm cười bên gian khó
          Để con thơ thêm khôn lớn mỗi ngày
          Như cánh chim bay giữa vòm trời kiêu hãnh
          Từ dấu chân yêu thương ấy, con đi.
          Ông cụt kìa tụi bây ơi! Ông cụt kìa! Mỗi lần thấy ba tôi đi qua là bọn trẻ con trong xóm lại nheo nhéo lên cứ như ba tôi là người của hành tinh khác vậy. Và tôi cứ mỗi lần như thế sẽ đuổi tóm cho kỳ hết lũ trẻ, bắt xếp hàng, sau đó cho mỗi đứa một cái nhéo tai và bắt xin lỗi. Mỗi lần như vậy, tôi lại bị ba đánh và mắng cho một trận nhưng chưa bao giờ tôi khóc mà chỉ thấy rằng mình đã đúng. Ba thường hay bảo: Chúng còn nhỏ dại và lại chúng hiếu kỳ cứ thấy gì khác người thì chúng gọi thôi, con đánh chúng làm gì cho tội.
          Không riêng gì bọn trẻ, hồi nhỏ tôi cũng có những câu hỏi mà đến tận bây giờ vẫn còn hối hận, khi trong nhà chỉ có mẹ, tôi ngây ngô hỏi: - Sao ba lại đi bằng nạng gỗ hả mẹ? Vậy cái chân kia của ba đâu? Trước những câu hỏi khờ dại ấy của tôi mẹ thường ôm tôi vào lòng xoa đầu rất khẽ rồi nhẹ nhàng bảo: - Lớn lên con sẽ hiểu, bây giờ thì con phải thương và nghe lời ba nghe không? Tôi dạ nhưng rồi lại quên béng ngay sau đó, cứ rong chơi để bị ốm. Những lúc như thế ba lại đánh đòn. Hầu như chưa bao giờ ba nhẹ nhàng với anh em tôi cả nhưng sau những trận đòn đó ba lại lặng lẽ hút thuốc, rồi đi mua về gói kẹo bỏ lên bàn cho chúng tôi.

Là con thứ năm trong một gia đình có sáu người con, ba được ông bà nội cho ăn học đến năm lớp bảy (hồi ấy gọi là đệ lục) mặc dù thuộc diện ưu tiên không phải đi bộ đội nhưng ba vẫn trốn ông bà nội viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đến trước ngày nhập ngũ ba mới cho ông bà nội hay: Ông nội không nói gì, còn bà nội thì cứ ôm ba khóc hoài. Chiều hôm đó ông nội làm mâm cơm có cả gà cúng tổ tiên ông bà xong, khác với mọi ngày hôm nay ba được phép ngồi uống rượu cùng ông. Tự tay rót vào chén ông nội đưa cho ba và bảo: Chưa bao giờ ba cho con uống rượu nhưng hôm nay ba phá lệ, con uống cạn đi rồi nghỉ ngơi mai còn lên đường. Ông nói, mắt ráo hoảnh nhưng ba bảo thấy ông kín đáo đưa tay áo lên lau nước mắt, ngày thường ông ít nói nhưng hôm ấy ông nói với ba thật nhiều: - Rằng anh đi cho chân cứng đá mềm, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó… để cho xứng đáng với liệt tổ liệt tông. Ba bảo: Lúc ấy cứ nghe dòng máu nóng trong người thầm hô quyết tâm, còn bà nội sau một lúc khóc bây giờ chỉ lẳng lặng xếp đồ cho ba, nội mân mê từng chiếc áo, vá lại những chỗ rách, khi gấp hết nội lại ôm chồng áo vào lòng rồi mới để vào túi cho ba. Ngày ba lên đường bà nội ôm ba thật chặt rồi nói trong nước mắt: - Đi mạnh giỏi nghe con. Ông nội đứng từ xa nhìn rồi cũng không cầm được nước mắt đến khi tiếng loa giục những thanh niên nhập ngũ lên xe để đi bà nội mới buông tay. Ngồi trên xe nhìn dáng ông bà khuất xa dần ba chỉ kịp hứa với lòng sẽ giết giặc lập công cho ông bà vui lòng.
Sau ngày nhập ngũ đơn vị của ba vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên đến năm 1972, bị thương do quả đạn cối bắn nát chân trái, ba được chuyển ra tuyến sau điều trị. Ba bảo: Tỉnh dậy thấy mình chỉ còn một chân còn chân kia cũng băng trắng muốt nhưng thấy mình còn sống vậy là hạnh phúc lắm rồi. Chiến tranh kết thúc, không muốn là gánh nặng cho ông bà, ba đã đi học may và làm việc tại xí nghiệp may Ba Đồn (thị trấn Ba Đồn ngày nay). Nhưng vết thương liên tục hành hạ ba lại ra trại điều dưỡng. Trong thời gian này ba quen và yêu mạ tôi bây giờ (mạ kể: Hồi ấy mạ đẹp gái lắm nên khi biết mạ yêu ba ai cũng ngăn cản nhưng rồi tình yêu đã giúp mạ vượt qua tất cả để đến với ba). Mạ tôi cũng là nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc bị sức ép của bom nổ mất sức. Ba với mạ dắt díu nhau về quê nội lập nghiệp. Ngày mới về, bà con láng giềng giúp ba mạ cất lên ngôi nhà tranh, anh em tôi lần lượt chào đời, lần lượt như thế mà tự mình lớn lên như cây cỏ bên sự chăm sóc, yêu thương của ba mạ. Những năm còn tham gia hợp tác không năm nào nhà tôi không thiếu ăn, mạ đau ốm luôn. Chúng tôi còn thơ dại chưa giúp được gì. Ba tôi vẫn đi may dưới xưởng nhưng dăm bữa nửa tháng phải đi viện do vết thương sưng tấy, mỏm cụt lên xương non hành hạ. Hồi ấy, thơ dại tôi nào đâu có biết cứ thấy ba về nằm nghỉ lại cứ lăn sả vào lòng những lúc như thế mạ lại bồng tôi xuống thế là tôi lại khóc nấc lên không chịu. Mạ bảo: Để cho ba nghỉ một tý đi con, ba đang đau lắm đó. Tôi không tin nhưng rồi cứ mỗi lần nghe tiếng ba kêu thét còn mạ thức suốt đêm bên giường ba anh em chúng tôi không ai đòi ngủ cùng ba nữa mà tự mình ru giấc ngủ bằng những hờn giận trẻ con, bây giờ nghĩ lại cứ thấy ân hận mãi.
Nồi cơm dạo ấy chỉ có ba phần cơm bảy phần sắn (mì) phơi khô. Ba mạ ăn phần sắn hấp để dành cơm cho anh em tôi, có bữa nhà không còn gạo phải nấu ngô bung, anh em chúng tôi không chịu ăn cứ ngồi khóc, mạ phải đem đi đổi hai bát ngô lấy một bát cơm đầy về chia cho anh em tôi. Rồi đến những lúc phải chạy đi trốn do nợ thuế của nhà nước, ngôi nhà chúng tôi ngày ấy chỉ còn lại hàng cột và mái tranh xiêu vẹo còn tường đất bốn bên ngã sụp hổng hoác. Ba từ Ba Đồn lên quyết định bán đi chiếc xe  đạp. Ngày ấy, Ba được cơ quan cấp cho chiếc xe đạp Phượng Hoàng (mà anh em chúng tôi cứ líu lô mãi là xe Pướng Roáng) làm phương tiện đi lại. Ba bảo: Ngày mới về ba được cơ quan cho gỗ để làm giường nằm, ba mạ mượn xe bò chất gỗ lên rồi buộc vào sau xe đạp cứ thế đánh vật với chặng đường 22 cây số lên đến Cảnh Hóa (tên một xã thuộc huyện Tuyên hóa bây giờ) thì bị kiểm lâm giữ gỗ lại mặc cho ba mạ trình bày như thế nào cũng không chịu. Họ bảo ba về xin đủ giấy tờ rồi cho đi. Đường sá khó khăn, không di động đi đẹt  như bây giờ, ba lại một mình chạy xe đạp về cơ quan xin đủ giấy tờ. Hôm ấy, thấy tình cảnh của ba chốt kiểm lâm đã cho người chở gỗ lên tận nơi kèm theo lời xin lỗi. Chiếc xe nhiều kỷ niệm nhưng hôm nay ba phải ra bán nó đi để trả nợ và cũng để cho anh em tôi có cái ăn.
Xóm nghèo xác xơ, nhà tôi lại neo người chúng tôi chưa kịp khôn đã vụt trở thành người lớn đỡ đần mạ - Tôi vẫn không quên ngày đầu đi gặt lúa cứ lóng nga lóng ngóng, rồi đến lúc gánh lúa về mỗi đầu chỉ có ba nắm, vậy mà tôi cứ hết ngã bên này, rụng bên kia nhưng sớm thương mạ nên tôi đứng dậy và bắt mình đi tiếp. Những lúc không có mạ tôi lại len lén đặt gánh xuống nghỉ ngơi rồi xuýt xoa vì đôi vai bé tý teo ửng đỏ lên rát rạt và khóc ngon lành. Đêm về, anh em tôi cũng vày lúa (để nắm lúa dưới nong, rồi lấy hai chân vày vò cho hạt lúa rơi ra số nắm lúa có thể tăng lên so với từng người). Anh em tôi làm được một lúc phần thì đau chân, phần thì buồn ngủ vậy là cứ lăn đùng ra đống rơm đã vày ngủ ngon lành. Ba và mạ tôi vẫn miệt mài đập còn tôi mang theo vào trong giấc ngủ chập chờn cả tiếng bồm bộp và tiếng hạt rơi rèn rẹt trên nong. Cái thời gian khó còn đeo bám gia đình mình đăng đẳng phải không ba? Cũng theo thời gian khó nhọc ấy chúng con lớn lên, đã biết tự mình cầm cuốc để hằng ngày sau giờ đi học con với ba lại đi cuốc đất để trỉa bắp, anh và mạ lại đi cuốc ruộng. Con đi bên ba liêu xiêu trong gió, con luôn dành phần vác cuốc, mang nước nhưng ra ruộng ba lại là người cuốc phần nhiều còn con cứ nắng gắt lên lại chui vào bóng ngồi. Dẫu có đi đâu con vẫn không thể quên cái dáng ba để gậy lên mỏm cụt và cuốc, lâu lâu lại lấy khăn lau mồ hôi. Để kịp cho mùa vụ ba luôn cuốc cho tới khi trời nhá nhem mới về. Đường về dưới ánh hoàng hôn con lại liêu xiêu bên ba như tìm sự chở che…
          Năm tháng trôi mau, chúng tôi đã đỡ đần gia đình nhiều hơn, ngoài thời gian đi học anh em tôi đã biết vào rừng đốn củi để bán, biết cày, bừa, cấy hái. Hình như sự khốn khó đã khiến chúng tôi biết dấu đi mọi niềm yêu thích của một đứa trẻ. Tết đến không đòi quần áo mới, không đòi bánh kẹo… không đòi đi chơi mà chỉ quanh quẩn bên ba mạ chờ sai vặt. Rồi xí nghiệp giải thể ba trở về không muốn là gánh nặng cho mẹ ba lại đan nong, thúng, mủng, giần, sàng… Ba làm chắc chắn, bền và đẹp nên bà con lối xóm đến mua rất nhiều nhưng ba luôn bán rẻ hơn giá chợ rồi lại bảo: Bà con ai cũng thương cũng giúp đỡ mình… rồi ba bỏ thuốc, bỏ rượu vì nó chiếm mất thêm một khoản chi tiêu (ngày ấy ba hút mỗi ngày hai gói thuốc). Vậy mà, ba bỏ ngang tất nhiên lúc mới bỏ ba thường đi tìm những cái xái thuốc (đoạn thuốc người khác không hút nữa vứt đi) để hút.
          Tháng ngày đói khổ cũng dần qua, quê tôi như cô gái đến tuổi dậy thì phổng phao, đỏ da, thắm thịt. Một bộ mặt mới của quê hương thay cho cái xám xịt của những ngày giáp hạt, không khí vui tươi như sau mùa đông thì mùa xuân lại đến mang theo cái ấm áp sự sinh sôi mạnh mẽ của muôn loài. Gia đình tôi chưa giàu nhưng ba mạ không còn lo đến cái thiếu ăn trong những ngày giáp hạt. Anh em tôi đỡ đần được gia đình nhiều hơn bằng những gánh củi lớn, nhiều tiền hơn. Bây giờ về làng hẳn sẽ còn được nghe câu chuyện đi rừng của tôi, số là lần ấy đi rừng một mình tôi gặp đúng bãi củi sả (người ta chặt để đấy cho khô rồi vào lấy về) thế là tôi chặt bằng hết, hôm đó khi nhấc nó lên tôi biết rằng rất nặng nhưng lười bỏ ra hơn nữa ý nghĩ sẽ giúp mạ có thêm mươi nghìn cho buổi chợ ngày mai nên tôi cố nhấc lên vai và lê bước những bước đi chậm chạp nặng nề. Càng đi cáng thấy nặng cứ ngỡ như đang cõng cả núi đá trên vai vậy nhưng vốn ương bướng tôi vẫn đi dù càng đi càng chậm lên hết dốc Mái Đá Chết (tôi không biết vì sao nó có tên gọi này – có thể do khi từ dưới chân dốc lên đến đỉnh này mệt đến độ gần đứt hơn nên người ta gọi vậy hoặc cũng có thể vì nó toàn là đá chết (loại đá mềm) tôi thở dốc rồi vất ngay bó củi trên vai xuống nằm dài. Khi hơi thở đã trở lại bình thường tôi đá vào bó củi vừa đá vừa nói: Nặng à! Vậy thì mai tau cho nặng hơn nữa… câu nói đó được một vài người nghe. Hôm sau, khi gặp tôi họ nhại lại, tôi ớ người, rồi chợt cười cho cái sự ương gàn, con trẻ của mình. Thời gian như bóng ngựa câu dồn ngày hôm qua bỗng trở thành quá khứ còn tương lai mãi xanh một màu hi vọng… cái hi vọng cựa mình đổi thay….
          ... Ngày về nhà mới, mặt ba mạ rạng ngời, làm mâm cơm ba mạ khấn lên hai bên nội ngoại liệt tổ liệt tông đã phù hộ… căn nhà cấp bốn là mơ ước cả đời người của ba mạ nây thành hiện thực. Sẽ không còn những ngày tháng vừa ngủ vừa canh cánh, không còn phải ngồi ôm gối nhìn mưa nhỏ tong tong xuống giường. Căn nhà đối với người thành phố chỉ là chuyện ngày một ngày hai còn với quê tôi là cả cuộc đời, là ước mơ riết rỏng và khao khát đến tột cùng. Bà con lối xóm đến chia vui thật đông. Một lần nữa ba mạ lại rơi nước mắt nhưng giọt nước mắt hôm nay không còn mặn chát như mấy năm về trước, giọt nước mắt hôm nay ngọt ngào với bao cảm xúc. Bao nhiêu năm rồi hôm nay nụ cười mới trở về bên ba mạ dẫu phía trước còn nhiều khó khăn vì chưa hết lo cho chúng tôi. Ba mạ hãy yên tâm dù đi đâu chúng con vẫn luôn nhìn lên đầy kiêu hãnh và như ba luôn bảo: Nghèo nhưng không để người ta khinh… Cuộc sống đôi khi không như mong muốn nhưng mỗi khi nhìn vết chân tròn của ba khắc sâu suốt tuổi thơ lam lũ con sẽ luôn đứng dậy và đi về phía trước ba à… Phía ấy có một vầng dương đang hé sáng…
H.C.T 

10 nhận xét:

  1. Một bài viết, một tản văn rất xúc động về người cha yêu kính của mình giữa mùa Vu Lan càng đọc càng rưng rưng. Lâu lắm em mới có bài. Phải chăng, mùa báo hiếu đã trào dâng cảm xúc không thể không viết cái gì đó về cha về mẹ. Anh cngx vậy. Cứ viết đi Trường ơi! Viết cho thoả lòng khát khao với đời, với mẹ cha và những người thân yêu của chúng ta. Chúc em luôn bình yên và tiến bộ. Anh vào được blogspot.com những không post bài được, đành sử dụng vnweblogs.com.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gửi anh Xuân My: Dạ dạo này lao vào cuộc sống nhiều quá anh ạ. Em Cảm ơn anh nhiều, em đang viết về tập thơ đấy anh ạ. Nhưng em sẽ đọc lạ thêm lần nữa - em cần trải và nghiệm ra trong con chữ anh tất cả anha f

      Xóa
  2. Bài viết, tản văn này thật xúc động. Kỷ niệm về người cha kính yêu được em viết bằng cả niềm cảm hứng của mình nên nuột nà lắm. Lâu lắm em mới lên blog. Chắc bận. Có lẽ mùa Vu Lan về khiến em không thể đừng được mà phải viết cái gì đó về mẹ, về cha chăng? Anh cũng vậy. Hãy viết đi Trường nhé. Blogspot.com trục trặc quá, anh không post bài được, đành di chuyển sang vnweblogs.com rồi. Cái này anh cũng phải còm lần này là lần thứ 3 đây không biết tí nữa post lên có được không? Cầu trời cho đỡ phải làm lại. Chúc dm bình yên, vui vẻ và sáng tạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. gửi anh Xuân My: Dạ em viết về chính ba mạ em, về chính quảng thời gian khó nhọc đó anh à

      Xóa
  3. DẠO NÀY ANH EM MỀNH BỎ BÊ BỜ LỐC QUÁ ANH NHỈ?!
    LÚC VỪA ĐỌC XONG TẢN VĂN NÀY CỦA ANH, TỰ DƯNG EM MUỐN ĐƯỢC VỀ QUÊ ANH MỘT LẦN, ĐỂ ĐƯỢC GẶP BA ANH. HIHI!
    TỰ DƯNG THẤY THÂN THƯƠNG.
    DẠO NÀY THẤY ANH CÓ GÌ GÌ MỚI MỚI. HE HE! CHÚC MỪNG NHÉ! THẾ CHỪNG NÀO NGƯỜI TA GHÉ VÀO GIA LAI ĐẤY?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú mucdongphonui - mất trâu: UHM có điều kiện anh sẽ mời nhóm chúng ta về quê anh chơi... ba anh như trong tạp văn luôn đó. Nóng tính nhưng thương con hết mực em à. Uhm tháng 10 vào nà... bọn anh định cuối năm cưới nhưng chưa đủ tiền nên có thể 2 năm nữa vì năm sau là năm tuổi của chị ấy rồi

      Xóa
  4. Anh đã rất xúc động khi đọc bài này của em. Hôm nay anh chỉ muốn nói với em câu này: Nếu anh em mình ở cánh nhau một vài trăm cây số có lẽ anh đã đến để CHIA SẺ em!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ gửi anh Nguyễn Thế Yên: Em cảm ơn sự đồng cảm sẻ chia của anh rất nhiều và rất nhiều. Anh ạ ! Dù cuộc sống có như thế nào em vẫn luôn đứng vững để tiến về phía trước vì phía sau em còn có ánh nhìn dõi theo của ba mạ... đôi mắt ấy ánh lên niềm tin sắt đá về một ngày mai tương lai tươi sáng. Cảm ơn anh và chúc anh cùng gia đình luôn vui khỏe, may mắn thành công và hạnh phúc trong cuộc sống ạ

      Xóa
  5. Tình yêu nảy nở từ những gian khổ, hi sinh. Hạnh phúc bắt đầu từ những khổ đau. hạnh phúc khi được làm con của ba mạ phải không anh? Tuổi thơ của em không phải trải qua những ngày khổ cực như thế, nhưng cũng chứng kiến từng cơn đau hành hạ mẹ, từng đêm thức trắng của ba. Nhưng nỗi khổ nhọc của đời ba để đó là những ngày hạnh phúc nhất của anh em chúng em. Cảm ơn cha mẹ đã sinh ra mình, đã cho mình 1 hình hài nguyên vẹn, 1 trái tim yêu thương...

    Trả lờiXóa
  6. @ gửi Văn Thị Tây Nguyên: cảm ơn em đã sẻ chia cùng anh. chúc em luôn vui và thành công trong cuộc sống

    Trả lờiXóa