9/5/12

ẤN TƯỢNG BON BU KON

ẤN TƯỢNG BON BU KON
Đông Hòa
         Về Đăk Nông lần này, ngoài việc được tiếp thu thêm các phương pháp sáng tác và các thể loại chúng tôi còn được đi tham quan nhiều nơi, để lấy tư liệu và để mở rộng tầm mắt. Chúng tôi ghé bon Bu Kon vào một chiều mưa vội vã  sau một chặng đường dài 5 cây số (của cô bạn Đăk Nông vì tôi ước chừng nó cũng phải cỡ gần 50km chứ không ít). Cơn mưa rừng vội vã, ào ào đến rồi ào ào đi dường như không làm ảnh hưởng đến sự háo hức của mọi người. Nhà văn hóa của bon nép mình bên tàng cây cổ thụ trầm mặc yên bình với thời gian. 
        17 giờ, dân làng trong bon tụ tập để chào đón đoàn, rũ vội những giọt mưa còn đọng trên áo, trên đầu mọi người trong đoàn nhanh chóng kiếm cho mình một chỗ ngồi trong phòng chật hẹp. Lại nhớ đến những câu hồi xưa hay đọc trong các đám cưới "Ta thông cảm cho nhau chỗ ngồi chật hẹp. Ta thông cảm cho nhau đường sá xa xôi. Ta thông cảm cho nhau những gì chưa có người ơi".


Các nhà văn, nhà thơ bên ché rượu cần trong nhà 
văn hóa bon Bu Kon


        Mọi người sau một chặng đường dài nắng gắt nay gặp cơn mưa như cũng dịu lòng mà dễ dàng bỏ qua cho nhau những thiếu sót, bên ché rượu vít cong cần lại niềm nở hỏi han ân tình. Những nụ cười rạng rỡ sau khi nghe trưởng bản nói qua tình hình bà con trong bon, nếp sống, nếp sinh hoạt. Ai cũng vui, cũng mừng vì đời sống của bà con trong bon ngày được nâng cao. Xe máy trong bon ngày càng nhiều, trẻ em đến lớp ngày một đông và dấu hiệu đáng mừng nữa ấy là không một ai trong số lớp trẻ muốn bỏ lớp mà muốn học lên thật cao, học cho đến hết chữ mới thôi. 
     Trưởng bản phát biểu cảm ơn đoàn đã về thăm bon Bu Kon
         Hòa trong tiếng mưa, nhịp chiêng như rộn rã, như hân hoan náo nức quyện lẫn tạo nên tổ khúc nhiều âm điệu. Tiếng chiêng trầm hùng như thúc giục, chào mời bước chân người lữ khách. Dàn cồng chiêng của bon gồm những người trẻ tuổi, nó được gióng lên có cả cái hào hùng, cái nóng bỏng nhiệt thành, chất tươi trẻ trong từng nắm tay rắn chắc.  
Đội chiêng của bon Bu Kon
          Trò chuyện với cả đội mới thật sự ngạc nhiên bởi lứa tuổi của toàn đội chỉ mới từ 20 cho đến dưới 30 tuổi người trẻ nhất trong đội chiêng Y' Tuyên sinh năm 1994 cho hay trong đội có một người lớn tuổi và cũng đã là nghệ nhân truyền dạy chiêng cho mọi người ấy là Y' Choan sinh 1983. Trò chuyện với Y' Tuyên nghe em tâm sự mới thấy được lòng nhiệt thành trong từng lời nói, trong từng cử chỉ và ánh mắt sáng ngời hi vọng vào tương lai. Em cho hay: Em đến với cồng chiêng vì yêu âm thanh trầm hùng, và cái chất thiêng liêng sử thi trong nó. Cứ mỗi lần nhịp chiêng gióng lên là nghe được cả lời cha ông vang vọng, lời núi sông rộn rã vậy là cứ gõ để nghe, và dần dần yêu tiếng chiêng, say tiếng chiêng như người con trai say người con gái lúc nào không biết. 

Nghệ nhân Y' Choan áo trắng cùng với đội chiêng và đội múa.
Đội chiêng sáu người và theo như Y' Choan cho biết nếu muốn học được một bài chiêng thì người học nhanh nhất cũng phải mất gần 2 tháng, người học chậm cũng phải đến 3 - 4 tháng và muốn đánh được đòi hỏi người học phải nghe và đánh thành thục cả chiêng mẹ lẫn chiêng con. 
Tiết mục múa đón chào đoàn đến thăm 
           Ấn tượng với tôi trong lần đến thăm bon ấy là được xem tiết mục múa để chào mừng đoàn, nhìn các em trong những điệu trỉa bắp làm cỏ nhịp nhàng, uyển chuyển gương mặt tươi xinh như chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu đang kề cận. Đội múa 6 người mà người lớn tuổi nhất hãy vừa tròn 18 lứa tuổi đẹp nhất với nhiều mộng mơ. Người nhỏ tuổi nhất H' Doen sinh năm 1998 tươi cười khi tôi hỏi chuyện em. Em bảo: Bài múa này các em vừa mới tập được 2 hôm nên hãy còn vụng về và không có được sự ăn ý, sự nhịp nhàng trong từng điệu. Tôi cười - điều ấy thì quá rõ và dễ dàng nhận ra thôi nhưng tôi vẫn thích cái sự tự nhiên, sự không đồng đều ấy bởi nó thật, nó không giả dối. 
Múa trong buổi giao lưu
       Không khỏi ngại ngùng khi tôi đưa máy lên và muốn được chụp các em, không một chút phấn son, không lòe loẹt áo thời trang phố thị các em giản dị trong trang phục của dân tộc mình. Một nét đẹp không bạc tiền nào mua được, đó là nét văn hóa đang chảy trong huyết quản các em, và trong cả những ước mơ: Chúng em muốn được học cái chữ để về giúp bản làng, em muốn được trở thành bác sĩ, cô giáo và nhiều nhiều nữa - những ước mơ xinh trong sáng tuyệt vời. 


          H' Vân cô bé sinh năm 1997 cho hay: Chúng em đến với cồng chiêng với những điệu múa, điệu xoang không ngoài nguyện vọng mong muốn giữ gìn được những nét tinh hoa trong văn hóa của bà con M' Nông để nó không mai một dần đi và để cho người già biết rằng lớp trẻ chúng em chưa hẳn đã quay lưng lại với những truyền thống của cha ông. Đoàn chúng tôi ra về khi cơn mưa đã tạnh những giọt mưa long lanh hãy còn đọng trên những cành cay ngọn lá trong veo như đôi mắt của các em. Chúng tôi ra về mang theo hi vọng vào ngày mai khi những mầm non đang hé nụ sau mưa...
Đ.H

4 nhận xét:

  1. Hay quá nhỉ! Thế mới gọi là thâm nhập thực tế chứ. Sau chuyến này tha hồ cái cho chú viết nha. Chúc vui vẻ, tưng bừng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ gửi anh Xuân Thu: Dạ cảm ơn anh thật nhiều ạ, em sẽ cố đi và học việc từ những người đi trước anh ạ

      Xóa
  2. lần này đi tha hồ thêm bạn bè và gặt hái được nhiều thú vị nhé, chúc em chuyến đi thành công.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ gửi chị hai: Cảm ơn chị hai thật nhiều, sau bao nhiêu sóng gió vẫn có chị hai luôn ở bên và động viên em. Chúc chị hai luôn hạnh phúc

      Xóa