6/9/12

ĐẮK NÔNG MIỀN NHỚ TRONG TÔI


Hà Công Trường
ĐẮK NÔNG MIỀN NHỚ TRONG TÔI
Tạp văn
bỗng thấy mình hóa thành khờ dại
nơi quê nhà lạ lẫm những nét quen
lối chiều chông chênh bên nắng
hay tại dã quỳ bung nở nét môi em.
          Lâu rồi tôi mới có dịp về thăm quê ngoại – nơi tuổi thơ đọng lại những tiếng cười, những gương mặt thân quen và cũng là nơi đánh dấu chuyến đi xa đầu tiên trong cuộc đời hành trình lang thang, phiêu bạt của một gã nửa đời “đi tìm mộng”. Lần này, tôi về quê ngoại mang theo cả sự hứng khởi lẫn một chút sung sướng vì được đi theo con đường “chính ngạch” có đoàn, có tổ chức hẳn hoi chứ không theo con đường “tiểu ngạch” tạt qua thăm mộ ông bà một tý rồi đi như mọi khi.

          Lâng lâng lắm, tự hào lắm khi mình cũng là một phần của mảnh đất này vậy mà khi anh Lê Trung Bá – lái xe cơ quan hỏi: - Giờ rẽ về lối nào? Khi xe đến bên một ngã ba, tôi đã ngơ ngác. Thế là đành xuống xe vừa tranh thủ nghỉ vừa ghé vào nhà dân hỏi đường, chợt thấy mình giống Từ Thức thuở nao đến lạ lùng. Anh chủ nhà sau khi trả lời tôi cứ nhìn theo với ánh mắt nghi ngờ, dò xét. Xe chạy trong sự hồi hộp của tôi qua ô cửa xe đã thấy nắng – thứ nắng mỡ màng một màu vàng ươm trông xinh xắn và ngon lành lắm. Phải thêm hai lần hỏi đường nữa xe mới đến được địa điểm mà ban tổ chức bố trí và đón tiếp, sự ngỡ ngàng hiện rõ trên khuôn mặt của tôi dù cố giấu, cố dặn lòng: Quê cũ ta mà. Xuống xe làm thủ tục nhận phòng xong tôi lăn đùng ra giường cố dỗ dành giấc ngủ bởi sự mệt mỏi của hành trình hơn 300km nhưng đành đoạn. Giấc ngủ không đến mà lòng cứ nôn nao, cứ xốn xang thấy lạ. Mở cửa sổ - tôi ngỡ ngàng Đắk Nông đổi thay nhiều quá, hít căng lồng ngực bầu không khí của quê ngoại, cảm giác có điều gì đó thiêng liêng, thân thuộc và gần gũi lắm. Mọi thứ đã thay đổi nhiều quá! Nhớ lại năm nào tôi theo mẹ vào thăm ngoại đường hãy còn gồ ghề, nhà cửa thưa thớt, hình như mật độ bình quân đâu chừng 2-3 người/km2 mà thôi. Ngày đó, thị xã Gia Nghĩa còn nghèo đường đất đỏ mù mịt đến độ cứ mang áo vào đi một hồi khi về đến nhà bà ngoại đã hỏi: Mi con cái nhà ai? Tìm bà có việc gì? Tôi cứ phải nói thật lớn bên tai bà (vì bà nặng tai mà): Con là Trường con mẹ Châu đây. Ngoại cười móm mém: Mồ tổ mi đi mô mà bẩn rứa con? Thôi thay đồ tắm rửa rồi vào ăn cơm với bà. Tôi đâu ngờ đó là lần cuối cùng ngoại nói chuyện với tôi, sau đận ấy, ngoại mất. Tôi chưng hửng để rồi những lần về sau này chỉ đủ để thắp hương cho ông bà rồi đi biền biệt. Quái lạ hình như mắt mình ươn ướt, hình như tôi đang khóc – những giọt nước mắt mặn chát cay xè. Đắk Nông hôm nay đã đổi thay mỡ màng tươi mới như cô gái đến tuổi cập kê bỗng vụt lớn nở nang đầy đặn. Về Đắk Nông hôm nay chứng kiến được sự đổi thay từng ngày, từng giờ, những con đường trải nhựa thẳng tắp, những công trình với tầm vĩ mô, những ngôi nhà cao tầng san sát… một sắc màu đổi thay no ấm hiện dần trên từng khuôn mặt. Những con số thống kê về kinh tế 3 tháng đầu năm 2012 của UBND thị xã Gia Nghĩa đã nói lên điều đó:
“Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 73,64 tỷ đồng, đạt 18,18% so với kế hoạch tỉnh giao và đạt 17,93% so với kế hoạch HĐND thị xã giao. Thu từ quốc doanh ước đạt 10,252 tỷ đồng đạt 15,57% kế hoạch của tỉnh và nghị quyết HĐND thị xã giao. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 45,277 tỷ đồng đạt 59,9% kế hoạch của tỉnh và đạt 59,7% kế hoạch của HĐND thị xã giao. Tổng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ ước đạt 340 tỷ đồng tăng 24,52% so với cùng kỳ năm 2011 đạt 24,11% kế hoạch. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa ước đạt 419,203 tỷ đồng đạt 30,36% kế hoạch UBND thị xã giao. Giao thông vận tải 3 tháng đầu năm xuất bến được 2.298 lượt xe với 39.066 lượt người. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ướt đạt 205 tỷ đồng đạt 22,51% kế hoạch, tăng 41,08% so với cùng kỳ năm 2011”.(1)
Ngồi nghe những con số biết nói ấy tôi thấy vui, thấy mừng cho sự đổi thay đang dần hiện hữu trên quê ngoại – nơi một thời in hằn dấu chân bùn đỏ của tuổi thơ. Đắk Nông của hôm nay đang vươn mình tới những tầm cao của sự phát triển, của những khu công nghiệp lớn mạnh thu hút nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm cho nhân công trong tỉnh và thu hút nhân tài trong nước. Mười ngày ở Đắk Nông, chúng tôi - những học viên tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác văn học dân tộc khu vực Tây Nguyên được đi tham quan để học hỏi và lấy tư liệu viết bài ở nhiều nơi. Dưới cái nắng chang chang nhưng đầy gió của Cao nguyên chúng tôi ghé thăm nhà máy Alumin Nhân Cơ, được nghe anh Hiếu trình bày sơ lược về nhà máy: “Được khởi công xây dựng từ ngày 28/2/2010 do Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) làm chủ đầu tư. Công suất thiết kế sản xuất đạt 650.000 tấn/năm, có thể mở rộng lên đến 1.200.000 tấn/năm, doanh thu ước đạt 4.000 tỷ đồng/năm”(2).  Đây sẽ là động lực chính thúc đẩy kinh tế của tỉnh nhà phát triển và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương. Nhìn những mẫu thành phẩm được đem ra để trưng bày không ai trong chúng tôi lại không muốn tận tay chạm vào nguồn vàng ấy của đất nước. Chạm tay vào thôi để nghe được cái mát lạnh mịn màng như làn da của thiếu nữ, chạm vào thôi mà nghe được cả sự đi lên mạnh mẽ trong từng hạt li ti thành phẩm. Là chúa hay quan sát, hay hỏi vì thế khi gặp một cô gái khá xinh đầu đội mũ kỹ sư của công ty tôi rụt rè hỏi: - Chị ơi, mạch Bauxite (Bô – xít) này kéo dài từ đâu ạ? - Dạ! Em không biết anh ạ. - Ơ! Sao lại không biết? Trước ánh mắt ngơ ngác và tò mò của tôi cô bé trả lời -  Em là cháu của chú Hiếu, nghỉ hè nên em lên đây chơi thôi ạ. – Em tên gì? – Dạ! Em tên Phương anh ạ. Thế Phương người ở đâu? Dạ quê gốc của em ở đây anh ạ, em ở thị trấn Đắk Mil, em đang học ở thành phố Hồ Chí Minh. Học xong Phương có ý định về lại đây công tác không? Dạ! Có chứ ạ,em mong sẽ đóng góp được một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự đổi mới của quê hương, bởi em yêu lắm dấu chân tuổi thơ nhòe đất đỏ của mình. Em nở nụ cười khi tôi đề nghị được chụp hình em, trong nắng nụ cười duyên với má lúm đồng tiền thêm rạng rỡ. Nụ cười ấy khiến một kẻ phiêu bạt như tôi có chút xao lòng, chênh chao như men say của rượu cần đêm hội.
Chuyến đi lần này tôi có thêm những người bạn mới đó là anh chàng Trần Lập – một hướng dẫn viên du lịch hóm hỉnh thông minh, năng nổ nhiệt tình. Không phải quê ở đây nhưng mảnh đất này đã gắn bó, đã hút hồn anh ngay từ lần đầu đặt chân đến. Anh bảo: - Tình yêu ấy đắm say như tình yêu trai gái cứ xoắn xít, mặn nồng đến độ mới nghĩ xa nó thôi đã chẳng đành chân bước đi rồi - ừ thì! Cứ “chưa xa đã nhớ”. Trong những lần cà phê chuyện phiếm anh đã giới thiệu cho tôi những cảnh đẹp của Đắk Nông với 16 thác nước mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú gắn liền với nhiều sự tích và huyền thoại trong chuyến đi lần này chúng tôi sẽ được ghé đến một trong những thác nước như thế - Thác Lưu Ly. Theo Trần Lập: - Đẹp nhất là thác Đắk G’lun ở độ cao 50m thác nước được rẻ thành hai dòng tựa hai tấm tơ trời lung linh trong sắc nắng. Nghe anh tả mà thấy thèm, thấy cứ cuồng chân cả lên, thì ra quê ta mà lạ lẫm đến ngỡ ngàng. Một chiều, trong sắc trời âm u nằng nặng những đám may theo gió bay về đem theo cơn mưa rừng với chằng chịt sấm chúng tôi đến với bon Bu Kon sau một chặng đường dài 5 cây số (của cô bạn Đắk Nông) vì tôi ước chừng nó cũng phải cỡ gần 50km chứ không ít. Cơn mưa rừng vội vã, ào ào đến rồi ào ào đi dường như không làm ảnh hưởng đến sự háo hức của mọi người. Nhà văn hóa của bon nép mình bên tàng cây cổ thụ trầm mặc yên bình với thời gian.
        17 giờ, dân làng trong bon tụ tập để chào đón đoàn, rũ vội những giọt mưa còn đọng trên áo, trên đầu mọi người trong đoàn nhanh chóng kiếm cho mình một chỗ ngồi trong phòng chật hẹp. Lại nhớ đến những câu hồi xưa hay đọc trong các đám cưới "Ta thông cảm cho nhau chỗ ngồi chật hẹp. Ta thông cảm cho nhau đường sá xa xôi. Ta thông cảm cho nhau những gì chưa có người ơi". Bên ché rượu vít cong cần lại niềm nở hỏi han ân tình những nụ cười rạng rỡ sau khi nghe trưởng bản nói qua tình hình bà con trong bon, nếp sống, nếp sinh hoạt. Ai cũng vui, cũng mừng vì đời sống của bà con trong bon ngày được nâng cao. Xe máy trong bon ngày càng nhiều, trẻ em đến lớp ngày một đông và dấu hiệu đáng mừng nữa ấy là không một ai trong số lớp trẻ muốn bỏ lớp mà muốn học lên thật cao, học cho đến hết chữ mới thôi. Gây ấn tượng với tôi trong lần đến thăm bon ấy là được xem tiết mục múa, tiết mục chiêng để chào mừng đoàn, nhìn các em trong những điệu trỉa bắp làm cỏ nhịp nhàng, uyển chuyển gương mặt tươi xinh như chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu đang kề cận. Đội múa 6 người mà người lớn tuổi nhất hãy vừa tròn 18 lứa tuổi đẹp nhất với nhiều mộng mơ. Người nhỏ tuổi nhất H' Doen sinh năm 1998 tươi cười khi tôi hỏi chuyện em. Em bảo: - Bài múa này các em vừa mới tập được 2 hôm nên hãy còn vụng về và không có được sự ăn ý, sự nhịp nhàng trong từng điệu. Tôi cười - điều ấy thì quá rõ và dễ dàng nhận ra thôi nhưng tôi vẫn thích cái sự tự nhiên, sự không đồng đều ấy bởi nó thật, nó không giả dối. H' Vân cô bé sinh năm 1997 cho hay: Chúng em đến với cồng chiêng với những điệu múa, điệu xoang không ngoài nguyện vọng mong muốn giữ gìn được những nét tinh hoa trong văn hóa của bà con M' Nông để nó không mai một dần đi và để cho người già biết rằng lớp trẻ chúng em chưa hẳn đã quay lưng lại với những truyền thống của cha ông . Y' Tuyên – đội chiêng cho tôi hay: Em đến với cồng chiêng vì yêu âm thanh trầm hùng, và cái chất thiêng liêng sử thi trong nó. Cứ mỗi lần nhịp chiêng gióng lên là nghe được cả lời cha ông vang vọng, lời núi sông rộn rã vậy là cứ gõ để nghe, và dần dần yêu tiếng chiêng, say tiếng chiêng như người con trai say người con gái lúc nào không biết. Đội chiêng sáu người và theo như Y' Choan cho biết nếu muốn học được một bài chiêng thì người học nhanh nhất cũng phải mất gần 2 tháng, người học chậm cũng phải đến 3 - 4 tháng và muốn đánh được đòi hỏi người học phải nghe và đánh thành thục cả chiêng mẹ lẫn chiêng con. Chúng tôi ra về khi cơn mưa đã tạnh những giọt mưa long lanh hãy còn đọng trên những cành cây ngọn lá trong veo như đôi mắt của các em. Tất cả chúng tôi ra về mang theo hi vọng vào ngày mai khi những mầm non đang hé nụ sau mưa...
*
*      *
Đang chìm trong giấc ngủ trưa đầy mộng mị thì chuông điện thoại réo liên hồi, uể oải cầm lên số máy của cô bạn Đắk Nông: - Anh xuống mau xe đang đợi nè. Đi đâu em? Đi thác Lưu Ly anh à. Ừ! Anh xuống ngay đây. Vội vội, vàng vàng khóa phòng rồi xuống. Khổ thế chứ, trưa làm mấy ly vào là cứ buồn ngủ không cưỡng lại được – tôi nói để thanh minh. Xe rùng rình đi trong cái nắng gắt – thứ nắng rám vàng trái bưởi và gió đưa mây ngược về phía núi. Thác Lưu Ly theo Trần Lập (hướng dẫn viên đi cùng đoàn) thì thác cao khoảng 30m nằm trong khu tổng thể du lịch Nâm Nung đẹp và thơ mộng. Đứng thật gần nghe được cả hơi nước mát lạnh tỏa ra từ dòng thác từ trên cao ào ào đổ xuống, tất nhiên không đến mức hùng vĩ như thác Đỗ Quyên (Bạch Mã - Huế), cũng không thẳng như Pau Sù (Măng Đen - Kon Tum) nhưng dưới ánh nắng chói chang Lưu Ly như một dòng thác bạc đầy lóng lánh, đầy huyễn hoặc. Cúi mình vục hai bàn tay xuống dòng suối rồi đưa lên mặt ta nghe được cái mát lạnh, thầm dần vào cơ thể đủ để làm ta quên đi cái oi nồng, cái khét cháy của sắc nắng vàng gay gắt nắng trên kia. Anh bạn Trần Lập hướng dẫn một thôi, một hồi rồi hối mọi người lên xe cho kịp chương trình và kịp tránh cơn mưa rừng đang ập đến. Khẽ thở dài khép kín cánh cửa ngoài kia cơn mưa rừng xối xả nhìn qua ô cửa xe thấy trắng cả một vùng, tất cả cứ chập chờn mơ ảo như tâm hồn ký ức ở nơi tôi. Mưa! Mưa gột hết bao phiền muộn nóng bức mưa cuốn phăng tất cả để lại cuối chân trời một vệt nhớ khôn nguôi…
Tôi đã có thời gian về lại Đăk Mil để thả hồn trước Hồ Tây chiều êm ả, cứ chợt nhớ, chợt cười cho mối tình ngây ngô khờ dại. Ngày ấy, tôi gặp em khi ra vườn hái ổi còn em đang loay hoay với luống rau. Tôi mở miệng bông đùa: - Hỡi cô cấy cải bên vườn/ cho anh cấy với chung tình làm đôi. Cô bé nhà bên hứ một tiếng rõ dài rồi bảo: - Có biết làm hay không mà bày đặt. Chạm tự ái tôi nhảy qua rào và cấy lia lịa, cô bé nhìn tôi rồi cười. Nụ cười giòn tan như miếng bánh đa nướng, tôi hỏi – sao em cười. Không ngờ nhìn khù khờ mà cũng nhanh ra phết. Tôi tranh thủ tấn công luôn: - Em tên gì? Học lớp mấy? Em tên Chinh, em đang học 11. Anh biết làm cá không? Chuyện nhỏ - tôi tự tin. Rồi suốt thời gian ở trên nhà cậu tôi luôn qua chơi với em. Những chiều đi trên con đường ngợp vàng dã quỳ chúng tôi kể cho nhau nghe về những kỷ niệm và cái nắm tay ngượng ngập run run. Hồi đó, nào đã biết tình yêu là cái gì đâu (mà có lẽ đến bây giờ vẫn vậy) chỉ biết rằng trong giấc mơ của tôi luôn có tiếng cười giòn tan bánh đa của em… Rồi em đi lấy chồng tôi không buồn mà chỉ thấy hụt hẫng như đánh mất một thứ gì ở trong tim. Ừ! Thì ra tôi đã đánh mất đi tiếng cười trong trẻo ấy, tháng năm trôi có chờ đợi bao giờ… Trở về thực tại, tôi ngỡ ngàng trước một Đắk Mil hoàn toàn khác lạ - Đắk Mil hôm nay vươn mình như những mầm xanh đầy sức sống. Đường giao thông được nâng cấp, nhà cửa san sát các khu vực vui chơi giải trí mọc lên san sát… Cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày, đã thấy được gương mặt, nụ cười no ấm không còn lem lấm như những ngày trước. Chưa đủ thời gian để đi hết vùng đất tưởng chừng đã cũ mèm trong ký ức, chưa nếm hết những món ngon ở nơi đây. Chưa kịp đủ để ghi vào lòng cái cảm giác ngắm Gia Nghĩa bồng bềnh trong sương sớm, trong ngày đầy sương mà cứ ngỡ rằng mây. Đi trong mây và thị xã như mờ ảo như vươn mình lên đùa mây, đón gió giữa trời.
Tạm biệt Đắk Nông, tôi mang theo bên mình những sáng mù sương bồng bềnh đứng lặng ngắm Gia Nghĩa hiện dần lên từng nét một căng đầy sức sống đón ánh nắng ban mai. Chào nhé những người bạn đáng mến và chỉ biết ghi nhớ vào mình sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình, niềm nở của quê ngoại thân thương. Ra về tôi sẽ mang theo dáng hình ai kia với lời chưa kịp nói và như cô họa sĩ trẻ công tác tại Hội VHNT tỉnh nhà đã nói khi tôi bảo chưa có dịp ăn món lẩu cháo cá: Ừ! Thì để vậy cho có cái lần sau còn lên chứ. Không tôi sẽ lên thật nhiều bởi nơi này đã in dấu chân tôi những tháng ngày hằn đầy bụi đỏ. Đắk Nông ơi! Xin gọi tên người bằng hai từ quê ngoại thân thương để luôn mãi là một miền nhớ trong sâu thẳm tim này.
 Pleiku 6/7/2012
H.C.T
(1): Theo báo cáo Tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - XH – QPAN quý I và phương hướng quý II của UBND thị xã Gia Nghĩa.
(2): ghi chép tại buổi tham quan nhà máy Alumin Nhân cơ (4/5/2012).

6 nhận xét:

  1. Một bài ký ngồn ngộn tư liệu về vùng đất Daknong. Không biết cô gái có tên Phương ấy có nhớ tới cái anh "Lâu rồi tôi mới có dịp về thăm quê ngoại – nơi tuổi thơ đọng lại những tiếng cười, những gương mặt thân quen và cũng là nơi đánh dấu chuyến đi xa đầu tiên trong cuộc đời hành trình lang thang, phiêu bạt của một gã nửa đời “đi tìm mộng” không nhỉ? Văn phong mượt mà, đậm chất thơ này mà em Phương, anh Tuấn và người Đaknong nữa đọc được thì chỉ có...mê ly thôi. Chúc mừng em nhé.

    Trả lờiXóa
  2. @ gửi anh Xuân My: Cảm ơn anh đã ghé thăm nhà em. Dạ bài này đã dăng trên Tạp chí Nâm Nung của Đăk Nông rồi đó anh à. Trong bài có sử dụng 2 tứ của anh đó, chính ngạch và tiểu ngạch... anh thông cảm nhé. bài này em gõ nhanh nhất đó anh à, có hơn 2 tiếng thôi đó. Quê ngoại em đó anh à. Em cảm ơn anh đã đồng cảm ạ

    Trả lờiXóa
  3. Lại một chuyến đi như mơ và thật nhiều tâm sự...ngày nghỉ vui vẻ nhé em!

    Trả lờiXóa
  4. @ Anh Nguyễn Thế Yên: Em cảm ơn anh ạ, con ng]ời em nó đa mang, miên miên xúc cảm vậy đó anh à

    Trả lờiXóa
  5. bai nay gui bao DN, in ngay do em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ gửi chị hai: hehe em dăng rồi chị nà. Viết 2 tiếng và đăng luôn ô yeah hoành tráng quá

      Xóa