19/9/12

CÓ MỘT GIỌNG TÂY NGUYÊN NHƯ THẾ


CÓ MỘT GIỌNG TÂY NGUYÊN NHƯ THẾ
(Nhân đọc “Dòng sông mặt trời” – Tuyển tập thơ
 và truyện ngắn NXB Hồng Bàng)
Hà Công Trường
“Dòng sông mặt trời” là tuyển tập thơ và truyện ngắn của các tác giả sống và làm việc tại Gia Lai, họ chủ yếu là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Cuốn sách dày 230 trang do nhà xuất bản Hồng Bàng ấn hành – nó là những cái nhìn, những tình cảm và là lát cắt của dòng chảy Văn học Gia Lai đương đại. Cuốn sách được chia ra làm hai phần: Phần thơphần văn. Sự chia ra ấy làm cho người đọc có được cái nhìn đầy đủ diện mạo Văn học Gia Lai qua những giai điệu đầy ngẫu hứng, đầy màu sắc, hình ảnh và cả những trúc trắc gập ghềnh trong từng con chữ - những con chữ thổi hồn cho Tây Nguyên thêm xanh, thêm thấm đượm tình người. Vẫn là những gương mặt quen thuộc không chỉ trong tỉnh mà còn được giới văn chương cả nước “chọn mặt gửi vàng”, biết mặt, nhớ tên: Văn Công Hùng, Hoàng Thanh Hương, Hương Đình, Ngô Thị Thanh Vân, Lê Vi Thủy, miên di, Nguyễn Minh Tuấn, Lê Kim Sơn… v.v. Mỗi tác giả thể hiện niềm vui nỗi buồn qua nhiều cái nhìn tinh tế, sâu sắc, đôi khi lạnh lùng, đôi khi là tiếng hát hoan ca của tâm hồn… tất cả tập hợp thành một vườn hoa đầy hương sắc.

Ta bắt gặp Tây Nguyên qua “Hoàng hôn” của tác giả Nguyễn Như Bá, bằng  những hình ảnh được tác giả cố tình cắt gãy tạo nên sự gập ghềnh trong từng câu chữ. Giọng thơ nhấn nhá, nhả chữ có cảm giác như những điệp trùng dốc, đèo khiến cho con chữ tự rơi một cách vô tình mà cố ý: “Con đường nào/Mà không qua/Núi… /Đèo/Rêu xanh/Sương chùng/Lá ứa/Giọt nắng ngủ quên” (Hoàng hôn – Nguyễn Như Bá). Sự trúc trắc đến khó chịu như vùng vằng như cố gắng nói trong hơi thở đứt đoạn để cố gắng vượt qua những dốc nối dốc. Những câu chữ bị bẻ gãy, đứt lìa không theo một trật tự nào cụ thể: “Con đường nào/ Mà không gặp/ Em/ Gùi mùa qua dốc/ Nhịp/Chiêng cồng/ Say”(Hoàng hôn – Nguyễn Như Bá). Lắm lúc ta cũng gặp một Pleiku nhẹ nhàng duyên dáng trữ tình trong thơ ông “Pleiku phố núi đường mây/ Đường về quán nhỏ vơi đầy cùng em/ Rượu suông dốc cạn tới đêm/ Tơ tình em sợi tóc mềm bay ngang” (Nửa chiều Pleiku – Nguyễn Như Bá). Cái nhẹ nhàng, chút tơ vương ấy níu kéo để cho nhà thơ thấy mình còn nợ nần với phố núi thế nên: “Hồn anh bối rối miên man/ Khi không mình lại nợ nần gì nhau” (Nửa chiều Pleiku – Nguyễn Như Bá).  
Nhà thơ Hương Đình với giọng thơ đầy hoài nghi và triết lý: “Thời gian người đâu trong mênh mông cõi này?”. Và nhà thơ đối thoại với thời gian để lắng nghe, để nhìn để cảm câu trả lời của nó:  “Thì tôi vẫn đây thôi, một dòng trôi vĩnh cửu/ Tôi hát rong những sớm mai vàng, không níu kịp cánh diều khi mặt trời chín đỏ/ Tôi mải mê vườn cỏ non, rồi mắc kẹt trong lùm tóc người già/ Tôi theo những dấu chân trẻ con và trượt ngã trong những hốc mắt/ Tôi ngủ vùi trong rừng cúc thu vàng mơ những đóa phù dung” (Thời gian – Hương Đình). Những câu hỏi, câu đối thoại cứ như thế nhói lên khoan sâu vào lòng người đọc những ám ảnh, đến nghẹn ngào: “Tôi lặng lẽ dâng hương vào nơi nhòa nước mắt/ Chợt giật mình, hương khói biết về đâu” (Thời gian – Hương Đình).
Vũ Thu Huế lại khác. Với giọng thơ mềm mại nhẹ nhàng, như lời thủ thỉ ta bắt gặp chị với những nhắn nhủ đầy thương, đầy nhớ: “về đi/ tha thiết tiếng cười/ cho bâng khuâng gió/ cho vời vợi sương/ về đi/ lòng những vấn vương/ giọt thời gian đã kết hương/ từ ngày…” (Về cùng em nhé, người thương – Vũ Thu Huế). Sự phá cách, phá vỡ tính truyền thống của lục bát bằng những sự ngắt quãng mà vẫn sâu lắng… đầy dịu dàng, duyên dáng và nữ tính: “về đi gìn giữ đắm say/ neo giùm em chút đắng cay vô thường/ về đi/ người của em thương” (Về cùng em nhé, người thương – Vũ Thu Huế). Trong “Độc thoại”, chị lại là một con người khác với tâm hồn cô đơn đến đau đáu nỗi niềm trong những giọt cà phê buồn lặng lẽ, giữa cơn mưa giăng nhớ và giữa ngọn gió cô liêu: “cà phê/ cà phê/ vành môi cong ngụp sâu/ lòng giếng thẳm/ nét mi nào quay quắt/ thủy triều dâng/ những bức tường đen đặc/ những sương khói lặng câm/ Pleiku đêm/ từng cọng buồn khuấy loãng” (Độc thoại – Vũ Thu Huế). Nhịp thơ chậm buồn rớt rơi như nỗi buồn miên man, xa xăm: “Sáng nay/ xao xác bên trời/ những giọt cà phê lẻ bạn/ rơi/ rơi/ rơi…” (Độc thoại – Vũ Thu Huế). Cái sự rơi ấy sao mà nao lòng đến thế, rơi chậm buồn đến tái tê… đến lê thê ngày tháng.
Có người nói rằng: Nói đến Tây Nguyên nói chung và Pleiku nói riêng thì đặc sản nhất vẫn là những con đường điệp trùng dốc để “ngồi bên nào cũng đổ ngược vào nhau”, là thứ đất đỏ mỡ màu mà dính người bết bệt và còn là những thảm dã quỳ vàng đến nhưng nhức. Tây Nguyên dưới mắt nhìn của nhà thơ Văn Công Hùng vẫn quen thuộc đấy nhưng lạ lẫm đến không ngờ: “mươn mải gió Cao nguyên rông rốc nắng/ dốc ươn ươn vùng xõa xõa âm u/ nghiêng nghếch bình nguyên núi đứng/ có một vàng hoa cúc đã lên xanh” (Âm oải ngày… – Văn Công Hùng). Để rồi nhà thơ khẳng định: “Pleiku không cần thêm gì nữa/ chỉ là em với bát ngát quỳ chiều/ ta nung khát một ngày mây hóa tóc/ một ngày không trăng lá mỏi bên đường” (Âm oải ngày… – Văn Công Hùng). Năm bài thơ với những sắc thái khác nhau, những trăn trở, những suy nghĩ về cuộc sống, về con người, nhân sinh thế thái… lẫn sâu trong đó có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trong bề bộn cuộc đời.
Nhà thơ Hoàng Thanh Hương viết về Tây Nguyên không thể thiếu những đêm xoang với rượu cần và tiếng chiêng rộn rã: “Tiếng chiêng/ Gọi lửa cháy thâu đêm/ Gọi rượu cần dậy men/ Xếp hàng hàng chờ đợi/ Gọi tình yêu/ Mạch suối/ Người nối người/ Vòng xoang chảy mải/ tiếng chiêng/ Ngân… một đời” (Tiếng chiêng – Hoàng Thanh Hương). Cũng có lúc tác giả nghi vấn – đứng giữa lằn ranh của thực – hư, mộng - ảo của cuộc đời: “Con người/ Mong manh số phận/ Ý thức xác lập giới hạn/ Chủ thể lo âu/ khát khao/ điên cuồng/ hối lỗi” (Con người – Hoàng Thanh Hương). Sự giằng co trong tâm hồn, sự đối thoại với chính bẩn thân mình không có hồi kết để rồi tác giả nhận ra, vỡ òa ra bao nhiêu nhận thức để nhẹ nhàng hơn bước vào cuộc sống: “Bay trong đức tin chính mình/ Cuộc sống là báu vật” (Con người – Hoàng Thanh Hương).
Nhà thơ Phạm Đức Long lại nhẹ nhàng: “Khoảng trời lá thông, bạn và tôi dẫu nghèo/ Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ Thương nhau giữ tròn lẽ sống/ Giữa trắng đen, hư thực, thăng trầm” (Khoảng trời lá thông – Phạm Đức Long). Cũng có lúc tâm hồn ông rung lên tiếng yêu thương khe khẽ: “Dấu tất cả nắng gió Cao nguyên vào trong/ Dã Quỳ rực vàng nở hết mình như cháy/ Bao khó nhọc vẫn một màu thơ dại/ Đắng đót chỉ âm thầm thương lắm Dã Qùy ơi” : “Dã Qùy vẫn ngây ngô trước gió/ Nở mênh mang những mái đồi vàng”  (Dã Qùy chiều cuối năm – Phạm Đức Long).  
Lê Vi Thủy – một nhà thơ trẻ đầy tài năng và sự liều lĩnh của tuổi trẻ đã vẽ nên bức tranh Pleiku bằng những câu thơ đầy màu sắc, đường nét qua những con chữ: “Pleiku mắt ướt bờ mi cong/ tấm khói vô hình xổ dọc, ngang/ nhát cọ vàng lụi phố, hờ khuôn mặt/ buồn đưa chốn xa xăm/ nét chồng nét, màu chồng màu/ khoảng khắc phía chân mây/ gầy guộc vai, lặt nhặt mấy ngọn tóc/ thả bềnh bồng đời lạ” (Chân dung– Lê Vi Thủy). Lê Vi Thủy là một giọng thơ lạ trong dòng chảy văn chương Gia Lai, một người viết trẻ dám nghĩ và dám viết. Thơ của chị với những nhưng nhức, những ý niệm sâu về con người về cuộc sống.
 Đọc “Dòng sông mặt trời” lần này bắt gặp những sự so sánh, những hình tượng mới mẻ và lạ lẫm và chính sự lạ lẫm ấy tạo nên một nét rất riêng trong văn học Gia Lai: “Phố dài như ngày tôi bụng mang dạ chửa/ thời gian đợi chú rùa mải chơi/ ngang qua phòng cốc cốc hỏi thăm rồi cười/ nụ cười lả lơi” rồi: “Phố hiểu tôi như tôi hiểu một người giữa vạn, nghìn người và nhiều hơn nữa/ một khát khao rất đỗi con người” (Tự tình phố - Ngô Thanh Vân). Ngoài ra những cây bút như: Lê Thị Kim Sơn, Nguyễn Minh Tuấn, Trần Tấn Ngô, Nguyễn Đình Phê, Chu Giang Phong, Võ Thanh Vân… đã và đang tạo nên những giọng điệu riêng, màu sắc riêng hòa vào trong một vườn hoa đầy màu, hương sắc, đẹp đẽ mỡ màu. Những sắc hoa ấy góp nên cho Văn học đương đại Gia Lai có được những âm thanh riêng hòa vào trong điệu đàn muôn điệu của văn học nước nhà.
Phần văn xuôi tuy không nhiều như phần thơ song cũng tạo nên một diện mạo mới với những dư thanh về cuộc sống, về tình đất, tình người. Lá thư viết cho… mưa của tác giả miên di là một khúc nhạc dạo đầu êm ái của bản giao hưởng tình yêu, nhẹ nhàng, mơn man sâu lắng. Đó là những dòng hoài niệm suy tưởng về một Pleiku trong mưa, nhẩn nha mà lắng đọng: “Mưa Pleiku là thế, là nét buồn lộng lẫy – mưa để người ta hoài niệm, mưa để người ta thương nhớ địa đàng”. Hay một cái nhìn mới lạ về thành phố qua màn mưa, qua những giọt giọt ký ức, với “dáng vẻ điêu tàn trong cõi nhớ” của “chú bé trốn học đào dế, trộm khoai”. Trong những suy tưởng ấy tác giả lại suy niệm về cuộc sống qua những ý nghĩ nhẹ nhàng nhưng đầy triết lý: “Pleiku bây giờ, như cô gái vừa qua tuổi dậy thì dễ thương, nhưng chưa kịp chín mùi nét mặn mòi thiếu phụ. Ừ… cũng đúng thôi lớn lên rồi ai chẳng thế”. Những dòng văn cứ như lời tâm sự, cứ như lời kể đêm khuya để rồi mang theo một ý niệm – tất cả đều sẽ đổi thay cũng như triết lý nhân sinh hạn hữu: “Mưa Pleiku bây giờ tạnh vội rồi, chỉ ướt được những ngược xuôi xốc nổi, mà chẳng kịp đẫm vào cõi miền trăc ẩn người ta. Mưa mà cũng đổi thay, trách chi lòng người. Mưa nhỉ”.
Tác giả Hương Đình, Phạm Đức Long với những truyện ngắn đầy tính nhân văn sâu sắc với những suy nghĩ về đời, về người, về nghề đầy nhân sinh, tính công bằng thương vay, khóc trả, luật nhân quả được sử dụng một cách triệt để. Tác giả Trương Lệ Hằng lại đi sâu vào khai thác đề tài tình yêu đồng giới, những mảnh tâm hồn bị khiếm khuyết bởi thượng đế lúc sinh. Những con người khiếm khuyết ấy mang trong mình những mặc cảm tội lỗi: “thằng con trai mang xác thân con gái” những mảnh vỡ trong tâm hồn nhân vật được bóc tách bằng những dằn vặt, những hổng hoác trong tâm hồn giữa những ngày đầy gió. “Có phải một truyện tình” xoáy sâu vào vấn đề giới tuy còn nửa với nhưng nó đã mở ra một diện mạo khác và báo hiệu cho sự phát triển mạnh mẽ, sự tham gia trực diện vào cuộc sống thời đại của những cây bút phố núi. Hai Truyện ngắn “Lóng lánh là lóng lánh ơi” và “Ngày vô tận” với giọng điệu đều đều nhẹ nhàng như một người kể truyện bằng thơ.Tác giả Vũ Thu Huế một lần nữa đi vào diễn tả nội tâm con người mà cụ thể, ấy là tâm hồn của những người phụ nữ đầy yêu thương, hi sinh chịu đựng… “Pleiku những nhát cắt chập chờn” và “Krông Pa ngày trở lại” của tác giả Văn Công Hùng nhìn lại Pleiku và Krông Pa từ những ngày hồng hoang – thuở mới đặt chân lên đến bây giờ thành một người của phố núi này. Những hoài niệm trong hai ghi chép giúp người đọc nhất là những người đến sau có một cái nhìn đầy đủ đa chiều hơn về Tây Nguyên nói chung và Pleiku nói riêng...
 “Dòng sông mặt trời” là điệu đàn trầm bổng phản ánh cuộc sống, sinh hoạt, tình đất và tình người nơi đây. 16 tác giả - 16 gương mặt - 16 loài hoa khoe sắc hương trong vườn hoa rộng lớn của văn chương cả nước. Tuyển tập là cái nhìn đa chiều trong lát cắt đồng đại toàn cảnh về diện mạo của văn học Gia Lai. Cuốn sách hãy còn nhiều hạt sạn, nhiều lỗi chính tả nhưng “nhân vô thập toàn”, ở đây người đọc chỉ điểm lại những gương mặt và một số nét trong nội dung của tuyển tập thơ, văn này. Như lời nhà thơ Văn Công Hùng đã nói trước khi xuất bản tuyển tập này: “Không có tham vọng là giới thiệu toàn bộ diện mạo văn học Gia Lai trong suốt hơn ba chục năm qua, mà với việc tuyển chọn tác phẩm của các tác giả Gia Lai lần này, chúng tôi muốn trình bày một nhát cắt ngẫu hứng để bạn đọc hình dung ra những gì mà các nhà văn hiện đang sống ở Gia Lai thể hiện và qua đó bạn đọc sẽ hình dung ra một Gia Lai qua văn chương, qua cảm xúc của các nhà văn bằng chính hình tượng văn chương, các ý tưởng của tác phẩm”.
H. C. T

2 nhận xét:

  1. Nhà xuất bản Hồng Bàng vừa ra đời trên cao nguyên và Dòng sông mặt trời cũng bắt đầu chảy từ đó. Dòng sông văn chương, dòng sông tình người thấm đấm đất Pleiku để cho tôi chỉ thoáng qua mươi ngày thôi cũng đã đắm đuối, ngụp lặn trong cái dòng sông ấy. Bài viết của em thật thú vị. Những câu thơ, những tên người chỉ điểm qua thôi nhưng thật lắng đọng. Uớc gì được một lần trở lại để tắm trên Dòng sông mặt trời, để được gặp các bạn thơ văn, để được yêu, được nhớ hơn nữa. Cảm ơn em và cho gửi lời chúc mừng các tác giả trong Dòng sông mặt trời.

    Trả lờiXóa